Thứ Bảy, 8 tháng 6, 2013

HỘI NGHỊ LẦN THỨ NHẤT BAN CHẤP HÀNH TRUNG ƯƠNG LÂM THỜI CỦA ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM (10-1930)

****  HỘI NGHỊ LẦN THỨ NHẤT BAN CHẤP HÀNH TRUNG ƯƠNG LÂM THỜI CỦA ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM......CÙNG VỚI MỘT SỐ HẠN CHẾ CỦA CƯƠNG LĨNH CHÍNH TRỊ DO ĐỒNG CHÍ TRẦN PHÚ SOẠN THẢO>>>>>


Tháng 4-1930, đồng chí Trần Phú sau thời gian học tập ở Liên Xô đã trở về nước hoạt động. Theo đề nghị của Nguyễn Ái Quốc, đồng chí Trần Phú tham gia Ban Chấp hành Trung ương lâm thời và được phân công cùng Ban Thường vụ Trung ương chuẩn bị Hội nghị lần thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương và dự thảo bản Luận cương chính trị.
Hội nghị lần thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương diễn ra từ ngày 14 đến ngày 31-10-1930 tại Hương Cảng (Trung Quốc), do đồng chí Trần Phú chủ trì, đã thông qua Nghị quyết về tình hình và nhiệm vụ cần kíp của Đảng, dự thảo Luận cương chính trị của Đảng, Điều lệ các tổ chức quần chúng. Theo chỉ thị của Quốc tế Cộng sản, Hội nghị đổi tên Đảng Cộng sản Việt Nam thành Đảng Cộng sản Đông Dương. Hội nghị bầu Ban Chấp hành Trung ương chính thức của Đảng, trong đó có Trần Phú, Nguyễn Trọng Nhã, Trần Văn Lan, Nguyễn Phong Sắc, Ngô Đức Trì*,... Ban Thường vụ Trung ương gồm có Trần Phú, Ngô Đức Trì và Nguyễn Trọng Nhã. Đồng chí Trần Phú là Tổng Bí thư.
Dự thảo Luận cương chính trị được Hội nghị thông qua đã phân tích sâu sắc tình hình thế giới và trong nước. Luận cương nhận định thời kỳ tạm ổn định của chủ nghĩa tư bản đã chấm dứt, chủ nghĩa tư bản đang lâm vào cuộc tổng khủng hoảng; phong trào cách mạng vô sản và cách mạng thuộc địa đã lên đến trình độ cao. Phong trào cách mạng thế giới ảnh hưởng rất mạnh đến phong trào cách mạng Đông Dương. Vì vậy, giai cấp công nhân và nhân dân lao động Đông Dương phải liên hệ chặt chẽ với cách mạng thế giới.
Về tính chất xã hội của ba nước Đông Dương (Việt Nam, Lào, Campuchia), Luận cương chính trị chỉ rõ đó là xã hội thuộc địa nửa phong kiến. Thực dân Pháp chủ trương không phát triển công nghiệp nặng, kìm hãm công nghiệp nhẹ, cột chặt nền kinh tế thuộc địa vào nền kinh tế chính quốc. Kinh tế Đông Dương vẫn là kinh tế nông nghiệp. Ở Đông Dương mâu thuẫn giai cấp giữa "một bên thì thợ thuyền, dân cày và các phần tử lao khổ; một bên thì địa chủ, phong kiến, tư bổn và đế quốc chủ nghĩa"1.
Tính chất cách mạng Đông Dương lúc đầu là cách mạng tư sản dân quyền, sau đó bỏ qua thời kỳ tư bản chuyển sang giai đoạn cách mạng xã hội chủ nghĩa. Ở giai đoạn đầu, cách mạng "có tánh chất thổ địa và phản đế"2, cụ thể là đánh đổ đế quốc giành độc lập dân tộc và đánh đổ địa chủ đem lại ruộng đất cho dân cày. Hai nhiệm vụ chống đế quốc và phong kiến có mối quan hệ khăng khít với nhau, "có đánh đổ đế quốc chủ nghĩa mới phá được cái giai cấp địa chủ và làm cách mạng thổ địa được thắng lợi; mà có phá tan chế độ phong kiến thì mới đánh đổ được đế quốc chủ nghĩa"3.
Về lực lượng cách mạng, Luận cương chính trị chỉ rõ: Giai cấp vô sản vừa là động lực chính vừa là giai cấp lãnh đạo nhân dân lao động đấu tranh. Dân cày là động lực mạnh. Các phần tử lao khổ ở thành phố như người bán rao, thủ công nghiệp nhỏ do đời sống cực khổ nên đều tham gia cách mạng.
Về phương pháp cách mạng, Luận cương chính trị chỉ rõ: Phải tùy tình hình mà đặt khẩu hiệu tối thiểu để bênh vực quyền lợi cho quần chúng. Đến lúc thực lực cách mạng lên cao, giai cấp thống trị lung lay, giai cấp trung gian muốn ngả về phía cách mạng thì Đảng phải lãnh đạo quần chúng để giành chính quyền. Phải sử dụng bạo lực cách mạng của quần chúng để giành chính quyền: "Võ trang bạo động không phải là một việc thường... phải theo khuôn phép nhà binh"1.
Về Đảng, Luận cương chính trị khẳng định: "Điều kiện cốt yếu cho sự thắng lợi của cuộc cách mạng ở Đông Dương là cần phải có một Đảng Cộng sản có một đường lối chánh trị đúng, có kỷ luật, tập trung, mật thiết liên lạc với quần chúng, và từng trải đấu tranh mà trưởng thành. Đảng là đội tiên phong của vô sản giai cấp lấy chủ nghĩa Các Mác và Lênin làm gốc"2.
Về quan hệ quốc tế, Luận cương chính trị chỉ rõ: cách mạng Đông Dương và cách mạng thế giới phải có liên lạc chặt chẽ với nhau, giai cấp vô sản Đông Dương phải có quan hệ mật thiết với giai cấp vô sản trên thế giới, nhất là giai cấp vô sản Pháp.
Hội nghị Trung ương tháng 10-1930 với việc thông qua Luận cương chính trị đã khẳng định những vấn đề cơ bản về chiến lược cách mạng mà Chánh cương vắn tắt Sách lược vắn tắt đã nêu, như: vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản trong cuộc cách mạng; hai giai đoạn cách mạng từ cách mạng tư sản dân quyền chống đế quốc và phong kiến nhằm thực hiện mục tiêu độc lập dân tộc và người cày có ruộng và sau đó chuyển sang làm cách mạng xã hội chủ nghĩa; hai nhiệm vụ chống đế quốc và chống phong kiến có quan hệ khăng khít với nhau; lực lượng chính của cách mạng là giai cấp công nhân, giai cấp nông dân, trong đó giai cấp công nhân là lực lượng lãnh đạo cách mạng; sử dụng bạo lực cách mạng của quần chúng để giành chính quyền; cách mạng Việt Nam có liên hệ mật thiết với cách mạng thế giới.
Bên cạnh đó, Hội nghị Trung ương tháng 10-1930 có hạn chế là chưa chỉ ra được mâu thuẫn chủ yếu là mâu thuẫn giữa dân tộc Việt Nam với đế quốc Pháp, từ đó không đặt nhiệm vụ chống đế quốc lên hàng đầu, đánh giá chưa khách quan vai trò và thái độ cách mạng của tiểu tư sản và mặt yêu nước của tư sản dân tộc cũng như một bộ phận địa chủ nhỏ. Sở dĩ có hạn chế đó là do Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương tháng 10-1930 chưa nắm vững đặc điểm của xã hội thuộc địa, nửa phong kiến Việt Nam, vận dụng máy móc đường lối của Quốc tế Cộng sản vào hoàn cảnh nước ta; chưa nhận thức rõ những quan điểm sáng tạo của đồng chí Nguyễn Ái Quốc đã nêu ra trong các văn kiện được thông qua tại Hội nghị thành lập Đảng.
Những hạn chế ấy được Đảng ta từng bước khắc phục, bổ khuyết trong tiến trình cách mạng Việt Nam.



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét