Hưởng
ứng lệnh tổng khởi nghĩa của Đảng, lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí
Minh, đồng bào cả nước, triệu người như một, nhất tề đứng lên với tinh
thần "Dù hi sinh tới đâu, dù phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn, cũng phải
kiên quyết giành cho được độc lập".
Chiều
16-8-1945, theo lệnh của Uỷ ban khởi nghĩa, một đơn vị quân giải phóng
do Võ Nguyên Giáp chỉ huy, xuất phát từ Tân Trào, nơi Đại hội quốc dân
đang họp, tiến về thị xã Thái Nguyên, mở đầu cuộc tổng khởi nghĩa vũ
trang giành chính quyền trong cả nước.
Ở nhiều
tỉnh xa, lệnh tổng khởi nghĩa của Trung ương đến chậm, nhưng nhờ thấm
nhuần các chỉ thị, nghị quyết của Đảng trước đó, nhất là tinh thần chỉ
thị "Nhật-Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta", đồng thời căn cứ vào
tình hình thực tế ở địa phương, khi được tin Nhật đầu hàng Đồng minh,
lãnh đạo Đảng, Mặt trận dã kịp thời, chủ động phát động quần chúng nổi
dậy.
Từ ngày 14 đến ngày 18-8-1945, Ở hầu hết các
tỉnh miền Bắc, quần chúng cách mạng đã nổi dậy giành chính quyền ở cấp
xã và cấp huyện, rồi tiến lên giành chính quyền ở tỉnh.
Ngày 18-8-1945, nhân dân Bắc Giang, Hải Dương, Hà Tĩnh,Quảng Nam giành được chính quyền ở tỉnh lỵ sớm nhất trong cả nước.
Ngày
19-8-1945, cả Hà Nội đỏ rực màu cờ. Hàng chục vạn quần chúng cách mạng ở
nội và ngoại thành mang theo gậy dao, súng, mã tấu... tiến về quảng
trường Nhà hát thành phố dự cuộc mít tinh do Việt Minh tổ chức. Cuộc mít
tinh bắt đầu lúc 11 giờ. Sau loạt súng chào cờ và bài Tiến quân ca vang
lên, đại biểu Uỷ ban quân sự cách mạng đọc lời hiệu triệu khởi nghĩa
của Việt Minh. Cuộc mít tinh phát triển nhanh chóng chuyển thành cuộc
biểu tình tuần hành vũ trang. Quần chúng biểu tình chia thành nhiều
đoàn, có các đơn vị tự vệ chiến đấu, tiến về các ngả đường, chiếm các cơ
quan của chính quyền bù nhìn: Phủ Khâm sai, Toà Thị chính, Sở cảnh sát,
Trại bảo an binh... Trước khí thế sục sôi của quần chúng khởi nghĩa,
Nhật dù có hơn một vạn quân cũng không thể làm gì được. Binh lính và
cảnh sát ngụy cũng bất lực và cuối cùng ngả theo cách mạng. Chính quyền
hoàn toàn về tay nhân dân.
Thắng lợi của cuộc
khởi nghĩa ở Hà Nội (ngày 19 tháng 8) đã có tiếng vang nhanh trong cả
nước, có tác dụng cổ vũ mạnh mẽ các tỉnh và các thành phố khác, làm tăng
thêm cuộc khủng hoảng trong hàng ngũ kẻ thù, tạo điều kiện thuận lợi
cho cuộc tổng khởi nghĩa.
Ở Huế, ngày 23-8-1945,
quần chúng các huyện ngoại thành đã giành được chính quyền cùng phối hợp
với công nhân, thanh niên, sinh viên, học sinh và các tầng lớp lao động
khác trong nội thành, tiến hành cuộc biểu dương lực lượng. Bộ máy chính
quyền bù nhìn hoàn toàn tê liệt. Quân đội Nhật nằm im. Quần chúng khởi
nghĩa lần lượt chiếm các công sở của địch mà không có sự kháng cự nào
đáng kể.
Được tin cách mạng thắng lợi ở Hà Nội,
Đảng bộ miền Nam và Sài Gòn quyết định phát động quần chúng khởi nghĩa
giành chính quyền ở Sài Gòn và các tỉnh. Đêm 24-8-1945, từng đoàn quân
khởi nghĩa của công nhân, nông dân,thanh niên, sinh viên, học sinh và
các tầng lớp lao động khác, trong tay gậy tầm vông vót nhọn và giáo mác,
từ các tỉnh xung quanh rầm rập kéo về Sài Gòn. Sáng 25-8-1945, hơn một
triệu người biểu tình tuần hành thị uy. Quân khởi nghĩa lần lượt chiếm
các công sở quan trọng của địch. Quân đội Nhật "án binh bất động". Cuộc
khởi nghĩa giành được thắng nhanh chóng.
Thắng lợi của cuộc khởi nghĩa Sài Gòn có ý nghĩa quyết định đến cuộc khởi nghĩa của các tỉnh còn lại ở miền Nam.
Trừ
mất thị xã do Tưởng Giới Thạch và tay sai chiếm đóng từ trước (Móng
Cái, Hà Giang, Lào Cai, Lai Châu, Vĩnh Yên), cuộc khởi nghĩa giành được
thắng lợi trên cả nước trong vòng nửa tháng, từ ngày 14 đến ngày
28-8-1945.
Ngày 25-8-1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh
cùng với Trung ương Đảng và Uỷ ban dân tộc giải phóng từ Tân Trào về đến
Hà Nội. Theo đề nghị của Người, Uỷ ban dân tộc giải phóng Việt Nam do
Đại hội quốc dân Tân Trào cử ra được cải tổ thành chính phủ lâm thời
nước Việt Nam dân chủ cộng hoà.Chính phủ lâm thời thể hiện chính sách
đại đoàn kết của Đảng, đoàn kết rộng rãi mọi tầng lớp nhân dân, các đảng
phái yêu nước, các nhân sĩ tiến bộ.
Ngày
28-8-1945, một phái đoàn của Chính phủ lâm thời từ Hà Nội vào Huế dự lễ
thoái vị của vua Bảo Đại. Chiều 30 tháng 8,ở Ngọ Môn, dưới rừng cờ đỏ
sao vàng, diễn ra cuộc mít tinh của hàng vạn nhân dân cố đô Huế, chứng
kiến Bảo Đại - ông vua cuối cùng của chế độ phong kiến Việt Nam, đọc lời
thoái vị và trao ấn, kiếm cho cách mạng. Đại diện Chính phủ lâm thời
Việt Nam dân chủ cộng hoà tuyên bố xoá bỏ chế độ quân chủ ở Việt Nam.
Ngày
2-9-1945, tại Quảng trường Ba Đình (Hà Nội), trước cuộc mít tinh lớn
của hàng chục vạn nhân dân đủ các tầng lớp ở thủ đô và các vùng lân cận,
Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt Chính phủ lâm thời trịnh trọng đọc Tuyên
ngôn Độc lập, tuyên bố với toàn thể quốc dân và thế giới: Nước Việt Nam
dân chủ cộng hoà ra đời.
Bản Tuyên ngôn Độc lập
khẳng định quyền thiêng liêng, bất khả xâm phạm của nhân dân Việt Nam
được hưởng tự do độc lập mà tự mình giành lại từ tay Nhật: "Một dân tộc
đã gan góc chống ách nô lệ của Pháp hơn 80 năm nay, một dân tộc đã gan
góc đứng về phía Đồng minh chống phát xít mấy năm nay, dân tộc đó phải
được tự do, dân tộc đó phải được độc lập?... Và sự thật đã thành một
nước tự do độc lập".
Bản Tuyên ngôn đồng thời
khẳng định ý chí sắt đá không gì lay chuyển nổi của nhân dân Việt Nam
quyết giữ vững quyền thiêng liêng ấy: "Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết
đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững
quyền tự do, độc lập ấy".
Tuyên ngôn Độc lập là
văn kiện lịch sử trọng đại, và ngày 2-9-1945 mãi mãi ghi vào lịch sử
Việt Nam là ngày hội lớn của dân tộc Việt Nam - ngày tuyên bố thành lập
nước Việt Nam dân chủ cộng hoà.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét