Xác định mục đích đọc sách:
Bằng cách trả lời câu hỏi: “Đọc để làm
gì?”, từ đó trả lời câu hỏi “Đọc sách gì, chỗ nào và đọc như thế nào?”.
Điều này sẽ giúp SV tránh việc đọc tràn lan, tốn công sức và thời gian.
Mục đích đọc còn giúp SV có cách đọc hợp lý và quyết định phương hướng
khai thác vấn đề trong cùng một cuốn sách.
Tìm hiểu địa chỉ cuốn sách:
Bằng cách đọc trang đầu và trang cuối để
biết tên cuốn sách, tác giả, nhà xuất bản, năm xuất bản và lần xuất
bản. Thông tin trên sẽ giúp SV trong việc trích dẫn, giới thiệu sách,
tìm kiếm sách trong thư viện hoặc đi mua sách.
Xem mục lục:
Vì phần này phản ánh dàn ý chung và tính logic của nội dung.
Đọc mục giới thiệu, lời tựa, lời nói đầu:
Để biết cuốn sách đề cập vấn đề gì, đối tượng nào sử dụng cuốn sách có ích hơn cả.
Xem phần kết luận và tóm tắt ở cuối sách:
Để thấy được kết luận chính và khẳng định của tác giả đối với những vấn đề đã trình bày.
Trực tiếp tìm hiểu nội dung:
Bằng cách đọc qua một vài đoạn sẽ phát
hiện những thông tin lý thú, giá trị. Ghi chú lại bằng giấy những điều
quan trọng. Cuối cùng, sau khi đọc xong, SV nên sắp xếp lại những gì đã
thu hoạch được, lượng hóa một số thông tin, nếu có thể thì vẽ sơ đồ tư
duy để hệ thống hóa tri thức của cuốn sách.
Các phương pháp đọc sách:
a/ Đọc lướt qua: Mục
đích khái quát những khái niệm ban đầu và nội dung của nó trong cuốn
sách. Vói những người có năng khiếu, chỉ bằng cách đọc lướt đã nắm được ý
chính, sự việc chính… Khi đọc lướt, có thể bỏ qua một số trang, đoạn
nào đó hoặc dừng lại ở một số ít trang, đoạn nào đó. Cách đọc này sử
dụng khi đọc để tìm hiểu một vấn đề nào đó đã được chuẩn bị cần làm rõ
thêm, khẳng định thêm; hoặc tìm những cách diễn đạt khác nhau cho một
vấn đề nhất định.
b/ Đọc từng phần ( đọc có trọng điểm ): Là
cách đọc từng phần, từng đoạn đã được lựa chọn từ trước nhằm tập trung
sức lực và thời gian cho những nội dung cần thiết, cho một công việc đã
được chuẩn bị.
c/ Đọc toàn bộ nhưng không nghiền ngẫm kĩ: Mục
đích khái quát toàn bộ cuốn sách chứ không đi sâu vào những nội dung cụ
thể. Khi đọc không bỏ qua trang nào cũng không dừng lại suy ngẫm ở nội
dung nào mà chỉ nắm xem, điều đó đã được bàn tới, và bàn ở mức độ nào.
Với các cuốn sách ta chỉ biết xu hướng tư tưởng, giá trị… cũng có thể
đọc theo cách này.
d/ Đọc nghiền ngẫm nội dung cuốn sách: Đây
là cách đọc quan trọng nhất, cần thiết nhất trong tự học để lĩnh hội
đầy đủ nội dung cuốn sách. Từng nội dung, từng vấn đề được xem xét tìm
hiểu cặn kẽ, có đối chiếu với kiến thức, kinh nghiệm và những cuốn sách
khác về những vấn đề đã được đề cập trong đó. Những nội dung tư tưởng
của cuốn sách người đọc đánh giá phê phán và hiểu đầy đủ, sâu sắc.
e/ Đọc chủ động: Là
cách đọc mà khi xem xét những tư tưởng cuốn sách đề cập, người đọc luôn
đối chiếu, đánh giá nó. Mọi sự chấp nhận hay phản đối đều được người
đọc dựa trên cơ sở sự đánh giá, đối chiếu với kiến thức, kinh nghiệm;
được nhận thức theo thế giới quan, tình cảm của mình. Từ những nhận thức
đó mà rút ra những kết luận cần thiết cho bản thân người đọc.
g/ Đọc thụ động: Cũng
với cách đọc toàn bộ hay đọc lướt nhưng ngừơi đọc hoàn toàn theo sự dẫn
dắt của tác giả, chấp nhận hoàn toàn, lấy đó làm những tín điều; nhìn
nhận và xem xét vấn đề bằng con mắt của tác giả.
h / Đọc sâu: Là
cách đọc đòi hỏi phải nghiền ngẫm sâu sắc nội dung cuốn sách để hiểu
cặn kẽ, lĩnh hội có phê phán những tư tưởng mà cuốn sách đề cập. Đây
cũng là cách đọc quan trọng đượ sử dụng trong tự học..
i/ Đọc nông: Chỉ
khai thác nội dung, tư tưởng cuốn sách ở trình độ chấp nhận hoặc có phê
phán chung chung mà chưa thể hiện được sự nghiền ngẫm cuốn sách một
cách thấu đáo. Khi đọc những cuốn sách giải trí thì cách đọc nay là phù
hợp, đỡ tốn công sức.
Bất kỳ công việc nào để đạt được kết quả
tốt, đỡ tốn công sức và thời gian cũng cần có phương pháp khoa học. Đọc
sách nhằm mục đích tự học càng cần có phương pháp. Đọc không có phương
pháp sẽ phí thời gian và công sức vô ích, đôi khi còn có hại như trì trệ
tư duy, giảm trí nhớ. Những phương pháp hướng dẫn đọc sách hiệu quả
trên đây có thể không có gì quá mới mẻ và cũng không quá khó khăn để rèn
luyện. Hy vọng khi áp dụng đúng những phương pháp này, bạn sẽ nâng cao
được kiến thức của mình và trở thành một tín đồ thực sự của phong trà
đọc sách.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét